7 phường (Định Công, Hoàng Liệt, Tương Mai, Hoàng Mai, Yên Sở, Vĩnh Hưng và Lĩnh Nam) nằm ở cửa ngõ phía Nam TP Hà Nội không chỉ là vùng đệm trung chuyển giữa trung tâm Hà Nội và các tỉnh phía Nam, mà còn là điểm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Với hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, vùng đất này đang khẳng định vai trò là khu vực động lực trong chiến lược phát triển đô thị và kinh tế của Thủ đô Hà Nội.
Cảng Khuyến Lương. Ảnh: AT
Trung tâm kho bãi - hậu cần chiến lược
Các tuyến đường huyết mạch như vành đai 2, 2,5, 3, Quốc lộ 1A và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã giúp 7 phường nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam TP Hà Nội trở thành đầu mối giao thông thuận tiện.
Ngoài ra, tiềm năng khai thác giao thông thủy trên sông Hồng và quy hoạch vùng bãi sông dành cho logistics hứa hẹn đưa khu vực thành một trung tâm kho bãi - hậu cần chiến lược trong tương lai.
Trên địa bàn 7 phường, hiện có hơn 19.000 doanh nghiệp, tăng gấp 45 lần so với năm 2004, điều này cho thấy sức hút ngày càng lớn của khu vực này đối với các nhà đầu tư.
Vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế. Ảnh TA
“Đang hội tụ nhiều yếu tố then chốt về hạ tầng, vị trí, chính sách và nguồn lực, nếu xây dựng được chiến lược thu hút hấp dẫn, các phường Hoàng Mai, Yên Sở, Lĩnh Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành trung tâm vận tải - hậu cần chiến lược của quốc gia” - PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế - Vận tải (Đại học GTVT) khẳng định.
Chuyên gia giao thông vận tải này đã chỉ ra các lợi thế mà các phường Hoàng Mai, Yên Sở, Lĩnh Nam cần nắm bắt thời cơ, đó là vị trí địa lý nằm giữa các tuyến đường huyết mạch: Quốc lộ 1A, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; có cầu Thanh Trì kết nối trực tiếp với các tỉnh, TP như Hưng Yên, Hải Phòng, có tuyến đường sắt Bắc - Nam và nhiều tuyến metro quy hoạch (số 1, 3, 4, 8) đi qua địa bàn, tạo điều kiện cho vận tải hành khách và hàng hóa.
Điều mà các nhà quản lý đều dễ thấy, đó là tiềm năng phát triển logistics ven sông của 3 phường trên. Các phường đều giáp sông Hồng, có đường giao thông thủy và cảng Khuyến Lương - đang được quy hoạch mở rộng hơn 20ha. Chưa kể, tại phường Lĩnh Nam, vùng bãi sông Hồng rộng hơn 100ha được quy hoạch làm trung tâm logistics, kho bãi, cảng cạn (ICD). Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển hậu cần đa phương thức: đường bộ - đường thủy - đường sắt.
Công viên Yên Sở, điểm vui chơi giải trí lớn của Hà Nội. Ảnh: AT
Phát triển công nghiệp văn hóa
Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết 09-NQ/TU đã đặt nền móng chiến lược cho các phường phía Nam Thủ đô phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Đây là vùng đất nơi lưu giữ nhiều di tích có giá trị như chùa Định Công, chùa Tứ Kỳ, đình Lĩnh Nam, đình Hoàng Văn Thụ... Các công trình này không chỉ phản ánh chiều sâu lịch sử hàng trăm năm mà còn là không gian tâm linh - văn hóa đặc sắc, phù hợp để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Vùng đất này hiện có tới 105 di tích, trong đó có 37 di tích xếp hạng cấp Quốc gia hứa hẹn tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, nếu như các phường có được chiến lược phát triển bài bản, có chiều sâu và liên kết chuỗi.
Ngoài ra, các phường Tương Mai, Vĩnh Hưng, Hoàng Liệt, Định Công, Yên Sở... đều có hệ thống hồ tự nhiên phong phú như hồ Định Công, hồ Linh Đàm, hồ Yên Sở, kết hợp với hệ thống công viên như công viên Yên Sở - một trong những công viên lớn nhất Hà Nội. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, picnic cuối tuần, thể thao ngoài trời.
“Với lợi thế nằm gần các điểm du lịch nổi tiếng như Phố cổ Hà Nội, Thanh Trì, cùng với hệ thống giao thông thuận lợi, các phường ở khu vực này có thể đóng vai trò cầu nối trong hành trình khám phá Hà Nội mở rộng, kết nối khách du lịch từ phía Nam vào trung tâm” - Phó Chủ tịch UBND phường Tương Mai Phạm Thị Kim Thành khẳng định.
Lễ công bố Quyết định Cây di sản Việt Nam và Bằng công nhận cây Mít, cây Đa, cây Bồ đề tại di tích lịch sử Quốc gia đình, đền Đông Thiên (phường Vĩnh Hưng). Ảnh VH.
Tại Lễ công bố Quyết định Cây di sản Việt Nam và Bằng công nhận cây Mít, cây Đa, cây Bồ đề tại di tích lịch sử Quốc gia đình, đền Đông Thiên (phường Vĩnh Hưng) được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, cây Đa, cây Mít, cây Bồ Đề nằm trong quần thể khuôn viên đình, đền Đông Thiên là một biểu tượng sống động của đồng bằng Bắc Bộ. Cây đã chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, đã gắn bó mật thiết với đất Thăng Long kinh kỳ. Nếu được đầu tư bài bản về hạ tầng dịch vụ và liên kết tour tuyến, tiềm năng du lịch các phường ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành một mũi nhọn phát triển mới - vừa bảo tồn văn hóa, vừa thúc đẩy kinh tế địa phương.